Thời trẻ Trịnh_Tạc

Năm 1614, Trịnh Tạc lên 9 tuổi, được ông nội là Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng phong làm Tây quận công[1]. Năm 1631, ông được thăng làm Bắc quan Đô đốc phủ, Tả đô đốc Phó tướng tước Tây quận công trấn thủ Nghệ An. Năm sau được thăng hàm Thiếu phó[1].

Thuở nhỏ Trịnh Tạc chơi thân với hoàng tử Duy Kì là con trưởng vua Kính Tông, vì hai người trạc tuổi nhau. Sau vụ Trịnh Xuân và nhà vua mưu giết nhà chúa năm 1619, chúa ép vua phải tự tử và bắt giam hết thảy các hoàng tử. Buổi chiều hôm đó chúa dạo vườn hoa, có Trịnh Tạc đi theo. Triết vương hỏi ông rằng:

Mày chơi thân với thằng Duy Kì, có hay rằng bố nó muốn giết tao không

Tạc đáp:

Bẩm cháu đâu ngờ lại thế. Bụng người ta mỗi người lại khác, bố con cũng chẳng cứ gì là bụng dạ ruột gan. Chú Thái bảo Xuân còn mưu thế vương phụ được, thì bố con đã lấy gì làm thân. Cháu trộm nghĩ việc này Vương phụ không nên trách Lê thị. Ròi từ trong xương ròi ra. Vương phụ mà làm to tát ra lắm, chỉ sợ mua xấu với thiên hạ. Các hoàng tử còn nhỏ dại thì phỏng có tội gì.

Triết Vương xiêu lòng, bảo Tạc rằng:

Mày cầm cái kim bài vào linh ngữ gọi thái tử ra đây, nếu là đứa khá thì tao cũng dung cho.

Nhờ việc đó, các hoàng tử thoát nạn, Trịnh Xuân được tha, và hoàng tử Duy Kì lên ngôi, là vua Lê Thần Tông

Năm 1640, quân Nguyễn vượt sông Gianh đánh lấn ra Bắc Bố Chính. Năm 1643, cha Trịnh Tạc là Trịnh Tráng điều quân vào nam chiếm lại. Trịnh Tạc cùng em là Trịnh Lệ được cử đi tiên phong. Đây là lần đầu tiên ông chính thức cầm quân đối mặt với quân Nguyễn. Trận này Trịnh Tạc tổ chức tiến công giết chết tướng Nguyễn là Bùi Công Thắng, chiếm lại Bắc Bố Chính, tiến lên đóng ở cửa Nhật Lệ. Sau đó 1 tháng, chúa Trịnh rước vua Lê Thần tông cùng đi nam chinh. Hai bên đối trận chưa phân thắng bại, gặp lúc mùa hè, khí hậu oi bức, quân Trịnh bị bệnh nhiều nên Trịnh Tráng đành ra lệnh lui quân.

Năm 1642, ông được cha giao cho nhiệm vụ trấn thủ Sơn Nam, một trong bốn trọng trấn quan trọng trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Cùng năm đó, huynh trưởng Sùng quận công Trịnh Kiều mất, con ông ta là Tông quận công Trịnh Hoành còn nhỏ tuổi, nên chúa quyết định dùng Trịnh Tạc làm người thừa kế. Năm 1645, Trịnh Tạc phụng mệnh đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, giành được chiến thắng. Tháng 4 ÂL, Trịnh Tráng xin với vua Lê Chân Tông phong Trịnh Tạc làm Thái úy tả tướng tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, giữ quyền bính trong nước, tước Tây quận công, mở phủ Khiêm Định. Công việc nhà nước hết thảy đều ủy thác cho Tạc quyết đoán. Thấy Trịnh Tạc được lập, hai vương tử Hoa quận công Trịnh Sầm và Phù quận công Trịnh Lịch vô cùng thất vọng. Ngày 16 tháng 6, hai người nhân lúc chúa bị cảm mà cất quân nổi loạn. Chúa sai Trịnh Tạc đem quân đi đánh, bắt được hai người giải về kinh sư giết chết[2][3].